Ngôi sao không bất biến Tiến_hóa_sao

Nhìn nhận của con người về tiến hóa sao

Ý tưởng về sự hình thành của các ngôi sao và các hành tinh xuất hiện khá sớm và tự nhiên trong các bộ môn tự nhiên ở thời kì cận đại. Vào khoảng nửa đầu thế kỉ 17, nhà triết gia người Pháp René Descartes đã nghĩ rằng, các tinh tú và các hệ hành tinh hình thành từ các chuyển động xoáy trong môi trường vật chất, lấp đầy không gian. Sự hình thành hệ Mặt Trời được nhà triết gia người Đức Kant làm sáng tỏ trong khuôn khổ lý thuyết hấp dẫn theo Newton và được nhà nhà vật lý học học người Pháp Laplace xây dựng một lý thuyết cụ thể. Vấn đề bản chất là sự hình thành Mặt Trời cùng các hành tinh của nó xảy ra nhờ quá trình co lại của một tiền tinh vân.

Tuy thế, các ý tưởng này chỉ dừng lại ở điểm hình thành, góc độ về quá trình biến hóa các ngôi sao bị lãng quên trong một thời gian dài, do việc cho rằng một ngôi sao sinh ra và tồn tại mãi mãi là việc tất nhiên. Các nghiên cứu về sự phát triển của sao lại được hâm nóng nhờ khám phá định luật bảo toàn năng lượng vào giữa thế kỉ 19. Định luật này buộc các nhà nghiên cứu thiên văn học phải chấp nhận một sự thật, rằng mỗi ngôi sao có một nguồn năng lượng nhất định và khi dùng hết năng lượng này, ngôi sao phải chuyển sang dùng nguồn khác, hoặc sẽ tắt đi[1].

Việc Albert Einstein công nhận sai lầm của mình đối với thành phần vũ trụ, đồng thời ủng hộ lý thuyết vũ trụ khởi đầu từ praatom của Georges Lemaître đã đem lại "chiến thắng" lớn cho của Công giáo vào năm 1935, khi hai nhà khoa học này gặp mặt tại California, Hoa Kỳ. Điều này đã thúc đẩy những nhà khoa học đi theo quan điểm vũ trụ bất biến như Fred Hoyle, ông còn là một người vô thần cao độ, ra sức tìm kiếm chứng cớ để phản bác mô hình vũ trụ giãn nở của Lemaître. Ông cho rằng những chỗ trống do vũ trụ giãn nở tạo ra lại được lấp lại bằng những ngôi sao mới hình thành. Tuy không chứng minh được điều này nhưng ông và một vài nhà khoa học khác được coi là những người đã khám phá các phản ứng hạt nhân trong tâm các ngôi sao[2].